Trao đời sự sống

An Khương là xã vùng sâu còn nhiều khó khăn, ở xã có đến gần 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống và trình độ dân trí chưa đồng đều nhưng ít ai biết, ở đó có nhiều tấm lòng vì nghĩa quên mình. Đó là gia đình anh Chang Sray Thành ở ấp 05. Ở căn nhà nhỏ đơn sơ được nhà nước hỗ trợ xây nhiều năm trước, chật vật, thiếu thốn, ban ngày anh làm thợ hồ, đêm phụ vợ đi cạo mủ cao su mướn, vậy mà chưa lần nào danh sách hiến máu xã An Khương thiếu tên anh.
      Năm 2016 anh bị tai nạn gãy xương vai, một tuần sau anh đòi đi hiến máu nhưng hội Chữ thập đỏ xã không đồng ý vì lo cho sức khỏe của anh. Lần kế tiếp, sau mổ lấy nẹp được một tuần, anh tiếp tục đi hiến. Nhiều người biết anh vừa mổ xong, nói anh liều mạng. Đêm đi cạo, ngày hiến máu, 02 vợ chồng bàn nhau chi 50 ngàn đồng thuê người trút mủ, anh Thành nghỉ làm thợ hồ để vượt 30km ra huyện hiến máu. Sau này, anh luôn là người có mặt ở điểm cho máu sớm nhất để kịp về sớm đi phụ hồ, kiếm tiền mua gạo, nuôi con.
Anh Changsray Thành (áo trắng) và em rể Điểu Quang
      Anh là một trong 15 thành viên câu lạc bộ (CLB) hiến máu của An Khương với nhóm máu chuyên cho RH+. Năm 2006, xã có trường hợp bị mổ tim cần truyền máu, anh và các thành viên trong CLB đã bỏ việc đến thành phố Hồ Chí Minh 03 lần mới hiến được máu do phải làm thủ tục liên quan ca mổ của người bệnh. “Lần đó mình vừa cho máu xong được bác sĩ cho 02 hộp sữa, 01 ổ bánh mì, ra ngoài hành lang gặp người mẹ bế cô bé chừng 06 tuổi người tím tái tội nghiệp, mình cho hết, hỏi ra mới biết cô bé bị bệnh tim, gia đình không có tiền mổ tim và mua máu để truyền, cầm nước mắt không đặng, lúc đó anh ước gì máu mình như nước giếng để có thể cho tiếp cháu bé. Hình ảnh đó cứ luẩn quẩn trong đầu, từ đó mình tâm nguyện phải làm sao để ngày càng có nhiều người hiến máu”, anh nghẹn ngào kể.
      Bao năm qua để nhiều người tham gia, anh Thành vận động trước mắt trong gia đình. Bằng thông điệp “hiến máu cứu người, giúp phát hiện bệnh, đến nay gia đình anh đã có 08 người hiến máu. Nhiều nhất là anh, 40 tuổi với 29 lần hiến máu. Riêng anh và vợ cùng các em rể Điểu Quang, Điểu Thé hiến 90 lần. Trong đó, Điểu Quang – Phó trưởng Công an xã hiến 27 lần. “Một lần trước ngày hiến máu, phải đi cạo đêm phụ vợ, bị cao huyết áp không lấy được máu, từ đó về sau, mỗi lần đi hiến mình để vợ cạo hết cả ngàn cây cao su, thấy tội vợ nhưng vì nghĩ máu cho đi sẽ cứu sống được nhiều người, vợ cũng rất chia sẻ, cảm thông cho anh. Noi gương anh Thành, vợ mình còn tích cực vận động trên 05 người đi hiến máu bởi mỗi giọt máu góp lại thành nhiều, nhân đôi cơ hội sống cho những người nguy kịch,” anh kể.
      Gia đình ủng hộ hết lòng đã tiếp thêm niềm tin, động lực để anh Thành vận động người ngoài. Trong những lần uống cà phê hay gặp người làm thuê chung hoặc bà con lối xóm anh nói “Đi ra huyện hiến máu đông vui như hội, đi thử một lần cho biết lần sau không đi cũng không sao. Hiến máu còn giúp mình phát hiện bệnh, kịp thời chữa trị. Em trai mình hiến về phát hiện sớm viêm gan siêu vi B, giờ uống thuốc hết bệnh rồi.” Quả thật, có 02 trường hợp được anh vận động phát hiện bệnh này đã chữa trị kịp thời. Từ lửa nhiệt huyết của mình, anh lan truyền cho Điểu Thành, Điểu Điều cùng ấp, sau khi hiến máu về các anh này vận động người thân, gia đình cùng tham gia.
      Dần dần phong trào lan rộng, số người hiến máu nhân lên, niềm tin đong đầy trong anh. Không có điều kiện tìm hiểu kiến thức nhưng anh đã dùng cái tâm, sự chân thành cùng gương mặt phúc hậu của mình vận động được trên 10 người đi hiến máu. Điều khiến chúng tôi cảm động, cảm phục và tâm đắc nhất chính là tấm lòng từ tâm, quên mình vì mọi người của gia đình người Stieng này./.

Tác giả bài viết: Diệu Lan - Đài TTTH huyện