Chị Thị Mương đạt danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam tự tin, tiến bước” năm 2017 - Trang thông tin điện tử Huyện ủy Hớn Quản
23:51 ICT Thứ hai, 14/10/2024
Huyện hớn quản 10 năm xây dựng phát triển và hội nhập; SĐT: 0271 3632255; Email: huhonquan@gmail.com

Chị Thị Mương đạt danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam tự tin, tiến bước” năm 2017

Thứ năm - 04/01/2018 15:34
Đồng hành với công tác phụ nữ, công tác dân số 20 năm với 02 kỷ niệm chương về công tác phụ nữ và dân số, là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ấp Bù Dinh dù việc gia đình tất bật nhưng chị vẫn cố gắng sắp xếp thời gian, chu toàn “việc nước”, “việc nhà”, xây dựng hình mẫu người phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. Chị còn là một trong 100 gương mặt phụ nữ trong cả nước vinh dự được nhận bằng chứng nhận giải thưởng “100 phụ nữ Việt Nam tự tin, tiến bước” năm 2017. Chị Thị Mương, sinh năm 1966, chi hội trưởng hội phụ nữ ấp Bù Dinh, xã Thanh An (Hớn Quản).
      Danh hiệu “phụ nữ Việt Nam tự tin, tiến bước” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng công ty P&G Việt Nam và nhãn hàng Ariel phối hợp thực hiện hàng năm, nhằm tôn vinh các phụ nữ đã có công trình hoạt động thúc đẩy sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, dám nghĩ dám làm, vượt qua mọi thử thách để theo đuổi đam mê, sự nghiệp và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. Danh hiệu đó đã đem lại niềm tự hào cho phụ nữ Hớn Quản nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng. Ở Thanh An ngoài chị Thị Mương còn có chị Thị Giôn, tổ trưởng tổ hợp tác “dệt thổ cẩm xã Thanh An” đạt danh hiệu này.
      Tuy nhiên, để đạt được tiêu chí xét chọn là điều không hề đơn giản. Chị đã có thành tích xuất sắc, nhiều cống hiến, hy sinh cao quý cho công tác xã hội. Với “việc nước”, chị không chỉ là một chi hội trưởng hết lòng với sự phát triển công tác hội mà còn tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chị luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vận động hội viên xây dựng 06 hũ gạo tình thương được trên 200kg gạo mỗi năm trao cho chị em nghèo, vận động tiền, gạo giúp đỡ nhiều hội viên khó khăn đột xuất, gia đình có ma chay. Hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho chị em trong phát triển kinh tế.
      Chị còn là một cộng tác viên dân số tiêu biểu. Để nói bà con nghe, chị chỉ sinh 02 con và vận động con gái đã lập gia đình sinh 02 con theo chủ trương của nhà nước, việc mà nhiều gia đình dân tộc thiểu số cùng thời với chị khó làm được. Đến nay, chị đã vận động khoảng 60 trường hợp đi đình sản.
Lo lắng bản sắc dân tộc bị mai một trước xu thế du nhập giữa các nền văn hóa, chị đứng ra thành lập tổ cồng chiêng ấp Bù Dinh do chị làm tổ trưởng, tập trung bà con đồng bào trong ấp tập luyện thường xuyên với 15 thành viên, cả nam lẫn nữ để tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ do các cấp tổ chức, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần nghị quyết TW 5 khóa VIII đồng thời lưu truyền lại cho con cháu đời sau gìn giữ.
      Chị còn được bầu chọn là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ấp Bù Dinh. Chị tuyên truyền, vận động bà con không tụ tập, kích động, khiếu kiện đông người, vượt cấp, bãi bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tảo hôn… thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước. “Lúc trước bà con bị bệnh hay đi thầy mình tuyên truyền cho bà con có bệnh đi bác sĩ, đi thầy lỡ mình không có bệnh người ta nói cho có bệnh, hoặc cho mình uống thuốc bậy làm bệnh nặng thêm”. Cùng với sự quan tâm, động viên thăm hỏi, giúp đỡ bà con khi ốm đau, hoạn nạn, khó khăn đã khiến người dân cảm động bởi tấm lòng của chị nên việc gì chị phân tích đúng sai, được mất bà con đều nghe theo. Theo kinh nghiệm của chị, nên tranh thủ tuyên truyền trong những lúc bà con bình tĩnh, bớt nóng giận mình mới vận động, tuyên truyền, kiên trì, bền bỉ theo kiểu mưa dầm thấm lâu.

Chị Thị Mương đạt danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam tự tin, tiến bước” năm 2017
      Với “việc nhà”, chị là người đi tiên phong trong phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Ruộng nhà chị cùng lối canh tác đa canh, “mùa nào thức ấy”, không chạy theo số đông. Hiện chị sở hữu 10 ha đất trong đó 3 ha ruộng; 3,5 ha cao su; hơn 2 ha điều; 1 ha tiêu, cho thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm. Đa phần các hoạt động chăm sóc, thu hoạch vườn, ruộng gia đình đều được cơ giới hóa
      Được nhận danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam tự tin, tiến bước” mình cảm thấy rất phấn khởi, sung sướng, vinh dự, tự hào bởi đó là thành quả suốt cả đời phấn đấu, vươn lên, trong cuộc sống gia đình cũng như ngoài xã hội. Mình nguyện cố gắng hơn nữa để không phụ lòng tin yêu của các cấp lãnh đạo và chị em hội viên đã dành cho mình”, chị xúc động nói. Chị cho biết, khi không còn tham gia ở hội phụ nữ nếu sức khỏe cho phép, chị cũng sẽ đầu quân vào hội Người cao tuổi, bởi mình là con người của xã hội. Chị Trần Thị Thiện Thu – Chủ tịch hội Phụ nữ xã Thanh An nói: “dù đã có tuổi nhưng chị Thị Mương không muốn xa rời công tác phụ nữ, không ngừng cống hiến cho xã hội. Chị là cán bộ hội nói được, làm được, đảng viên được đồng bào nơi đây tín nhiệm, là người gương mẫu, tiên phong, giỏi việc nước, đảm việc nhà./.

Tác giả bài viết: Diệu Lan - Đài TTTH huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 344


Hôm nayHôm nay : 78107

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1236306

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 36908882

Liên kết website

....