Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và vai trò Bí thư cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy - Trang thông tin điện tử Huyện ủy Hớn Quản
02:05 EDT Thứ sáu, 19/04/2024
Huyện hớn quản 10 năm xây dựng phát triển và hội nhập; SĐT: 0271 3632255; Email: huhonquan@gmail.com

Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và vai trò Bí thư cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy

Chủ nhật - 22/01/2017 21:51
Huyện Hớn Quản được tái lập theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 11/8/2009 của Chính Phủ, trên cơ sở chia tách địa giới hành chính để thành lập thị xã Bình Long và đổi tên huyện Bình Long thành huyện Hớn Quản. Đầu nhiệm kỳ 2010 – 2015, Đảng bộ huyện có 40 chi bộ, đảng bộ trực thuộc với 1.445 đảng viên; đến nay, số chi, đảng bộ trực thuộc là 54, tổng số đảng viên là 2.058 (tăng 14 chi bộ và 613 đảng viên so với đầu nhiệm kỳ).
Sau 07 năm tái lập, huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện tốt hơn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn.
Đạt được những kết quả đó là nhờ cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn huyện mới tái lập; cùng với đó trong quá trình lãnh đạo, các cấp ủy luôn phát huy vai trò, tính tiên phong của Đảng trong việc lãnh đạo các nhiệm vụ quan trọng ở địa phương dựa trên các nguyên tắc hoạt động của Đảng, trong đó nguyên tắc tập trung dân chủ có vai trò quan trọng trực tiếp chỉ đạo quá trình xây dựng, tổ chức sinh hoạt và hoạt động của tổ chức cơ sở đảng.
Để thực hiện có hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã triển khai tốt các giải pháp sau:
Một là: Thường xuyên quán triệt, làm cho cấp ủy, đảng viên, tổ chức đảng có nhận thức đúng về bản chất nội dung nguyên tắc, thấy được tính tất yếu phải thực hiện, từ đó từng bước nâng cao ý thức tự giác thực hiện đúng, đầy đủ nguyên tắc; qua đó những trường hợp vi phạm nguyên tắc do nhận thức không đúng có chiều hướng giảm.    
Hai là: Đã cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ thành Quy chế làm việc, Quy chế họp của cấp ủy để làm cơ sở điều chỉnh hoạt động của Thường trực, Ban Thường vụ, Ban chấp hành và từng đồng chí cấp ủy viên; các điều khoản trong quy chế được nghiên cứu cụ thể, cân nhắc, thảo luận kỹ, đạt sự thống nhất cao trong cấp ủy trước khi ban hành. Quy chế sau khi ban hành, đã tổ chức quán triệt thường xuyên trong cán bộ, đảng viên nhất là trong cấp ủy viên để nắm chắc nội dung, có ý thức trách nhiệm chấp hành nghiêm nội dung và yêu cầu của quy chế. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là qua đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy chế phù hợp với tình hình thực tế của cấp ủy.
Ba là: Coi trọng việc mở rộng dân chủ trong bàn bạc, thảo luận, phát huy trí tuệ tập thể cấp ủy trong việc đề ra chủ trương, phướng hướng, nhiệm vụ của cấp ủy; chỉ đạo chấp hành nghiêm Nghị quyết, kết luận của Huyện ủy.
Những vấn đề thuộc thẩm quyền lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy được thảo luận dân chủ và quyết định theo đa số, tạo được sự nhất trí cao. Quy trình thông qua các vấn đề đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự thẩm quyền theo quy chế. Qua đó, phát huy được trí tuệ tập thể cấp ủy và vai trò của từng đồng chí cấp ủy viên; các nghị quyết, chủ trương của cấp ủy đảm bảo được tính khả thi, thống nhất khi triển khai thực hiện.
Các công việc sau khi được tập thể bàn bạc thấu đáo, đi đến ra Nghị quyết hoặc quyết định thì được phân công cho cá nhân phụ trách thi hành, nếu giao cho cơ quan, đơn vị thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm; trong quá trình thực hiện, việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc được tăng cường, duy trì thường xuyên chế độ thông tin báo cáo, kịp thời chấn chỉnh những trường hợp chấp hành không tốt chỉ đạo của cấp trên để đảm bảo tính nghiêm minh trong Đảng.  
Bốn là: Coi trọng kiểm tra, giám sát, tập trung vào những nơi có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; xử lý kỷ luật nghiêm, kịp thời đối với những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên không chấp hành chỉ thị, nghị quyết, tham nhũng, gây chia rẽ bè phái trong nội bộ. Đối với những tổ chức đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, Huyện ủy kịp thời củng cố tổ chức bộ máy, thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ để ổn định tình hình, đảm bảo được chất lượng hoạt động của tổ chức đảng. 
Năm là: Bí thư cấp uỷ có vị trí, vai trò quan trọng, là người đứng đầu đảng bộ, chi bộ, có trách nhiệm lãnh đạo mọi mặt công tác của đảng bộ và chịu trách nhiệm cao nhất trước cấp ủy cấp trên, trước Đảng bộ và nhân dân về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ trên các lĩnh vực. Vai trò Bí thư cấp ủy trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đã thể hiện được như sau:
Bí thư phải gương mẫu chấp hành Nghị quyết, quy định của Đảng; thể hiện được bản lĩnh chính trị, tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên; thẳng thắn phê bình những hạn chế, khuyết điểm của cấp dưới và chỉ đạo nghiêm túc khắc phục. Từ đó đã tạo được bầu không khí dân chủ trong cấp ủy, xây dựng được uy tín, thể hiện được vai trò trung tâm quy tụ sự đoàn kết, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cấp ủy.
Bí thư chủ trì, điều hành các cuộc họp Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; các vấn đề trình tại cuộc họp đều được thảo luận dân chủ, các ý kiến góp ý được xem xét, tiếp thu đầy đủ; đối với những ý kiến khác nhau được thảo luận kỹ trước khi đi đến thống nhất. Sau khi thảo luận dân chủ, Bí thư cấp ủy đưa ra ý kiến kết luận cuộc họp, kết luận chính xác, cụ thể từng vấn đề để cá nhân, đơn vị triển khai thực hiện.
Chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy và Huyện ủy; chỉ đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; kịp thời, giải quyết các vụ bức xúc, nổi cộm tại địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý khi vi phạm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Chỉ đạo, điều hành công tác tổ chức cán bộ đảm bảo dân chủ, đúng theo quy định; các vấn đề như đánh giá, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ đều được đưa ra bàn bạc trong tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và quyết định theo đa số. Từ đó đã lựa chọn được những cán bộ có tiêu chuẩn, trình độ chính trị, trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí được bố trí; các trường hợp cán bộ được Huyện ủy thực hiện luân chuyên, bổ nhiệm đã phát huy tốt năng lực, sở trường công tác.
Với việc quán triệt thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và phát huy vai trò của Bí thư cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đã phát huy được trí tuệ, trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân các đồng chí cấp ủy viên; nội bộ cấp ủy đoàn kết thống nhất; góp phần tích cực vào xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế đó là: Vẫn còn cấp ủy viên vi phạm nguyên tắc của Đảng bị thi hành kỷ luật; một số cuộc họp, hội nghị của cấp ủy còn ít ý kiến phát biểu; một số cấp ủy viên chưa tích cực nghiên cứu, tham gia đóng góp trí tuệ vào hoạt động lãnh đạo cấp ủy, có tư tưởng ngại va chạm; ở một số cấp ủy chất lượng tự phê bình và phê bình còn thấp.
Qua thực tế công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, Huyện ủy Hớn Quản rút ra một số kinh nghiệm như sau:
- Nơi nào cấp ủy thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ thì đoàn kết nội bộ được tăng cường; vai trò lãnh đạo của cấp ủy được khẳng định.
- Người đứng đầu cấp ủy và từng đồng chí cấp ủy viên cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ nội dung, tầm quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ. Hiểu sâu sắc nguyên tắc tập trung dân chủ là quy định, đồng thời là quy luật vận động và phát triển của Đảng. Từ đó thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên tổ chức đảng về nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Cần cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ thành các quy định để tổ chức thực hiện, trong đó trọng tâm là Quy chế làm việc của cấp ủy phải đảm bảo yêu cầu tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và mở rộng sinh hoạt dân chủ.
- Cùng với nguyên tắc tập trung dân chủ, phải thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình.
- Bí thư cấp uỷ cần phát huy tốt vai trò là hạt nhân đoàn kết, quy tụ sức mạnh tập thể thực hiện sự lãnh đạo đối với mọi hoạt động của cấp ủy; nắm vững những vấn đề cơ bản về nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình; rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật cao, phương pháp làm việc cẩn thận, tỉ mỷ, chặt chẽ; đồng thời, phải đi đầu gương mẫu cả về nhận thức và hành động, tích cực đổi mới phong cách lãnh đạo, sâu sát thực tế.
 
                                                 Tác giả bài viết: Văn Hậu (VPHU)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 228

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 226


Hôm nayHôm nay : 21395

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 823763

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 25048351

Liên kết website

....