Quan điểm của Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những quan điểm , vấn đề mà Hồ Chí Minh nêu lên rất phong phú, đa dạng, trong đó có vấn đề thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, Người là tấm gương lớn về lối sống giản dị, thực hành tiết kiệm. Theo Người: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính”. Chính vì vậy, lời kêu gọi tiết kiệm, chống lãng phí của Người có sức lan tỏa và ảnh hưởng tích cực đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Năm 1927, trong cuốn Đường cách mệnh, phần mở đầu nói về tư cách của người cách mạng, Người viết: “Tự mình phải cần, kiệm”. Cần, kiệm phải là đức tính đầu tiên của người cách mạng, đối lập với nó là lãng phí. Người cho rằng, lãng phí là một căn bệnh, là tội lỗi với Đảng, với Nhà nước và nhân dân. Sự lãng phí gây ra rất nhiều tác hại trước mắt và hậu quả lâu dài. Hồ Chí Minh còn coi tiết kiệm là biện pháp quan trọng để tích lũy vốn, để sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đặc biệt trong điều kiện còn nhiều khó khăn, chỉ có đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, thì đất nước mới phát triển ổn định, nhân dân mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Về thực hành tiết kiệm, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bữa bãi”. “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu”. Theo Người: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước nhất là các cơ quan, các bộ đội, các xí nghiệp”, bởi “nếu ta khéo tiết kiệm sức người, sức của và thời giờ, thì với sức lao động, tiền tài của nước ta hiện nay, ta có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng của ta về mọi mặt cùng tăng gấp bội. Đó là một sự thực chắc chắn, chứ không phải lý luận cao xa. Kinh nghiệm của các nước bạn đã tỏ rõ như vậy”.

Theo Hồ Chí Minh, tiết kiệm là sử dụng hợp lý và có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động, tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhằm nâng cao mức sống của nhân dân. Người cho rằng: “Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân…”. Trong quan niệm của Người, tiết kiệm là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ nhằm giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức nhưng vẫn đạt được mục tiêu xác định. Mục đích của tiết kiệm là để tích lũy tiền của, thời gian, công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao mức sống của nhân dân. Tiết kiệm được thực hiện thông qua những hành vi trong thực tế của cán bộ, bộ đội và toàn dân ta và kết quả tiết kiệm của mọi người sẽ góp phần tích cực cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 nội dung cơ bản của việc tiết kiệm, đó là: Tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ và tiết kiệm tiền của. Theo Người, mục đích của việc tiết kiệm để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc, để tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước. Điều này càng quan trọng hơn khi nước ta là nước dân chủ nhân dân, không thể tích lũy vốn bằng cách cướp bóc thuộc địa, bóc lột công nhân, nông dân, vay nợ nước ngoài…

Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều lời kêu gọi tinh thần tiết kiệm của mọi ngành, mọi cấp và được toàn thể cán bộ, nhân dân tích cực ủng hộ và làm theo. Bản thân Người luôn gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm. Người tiết kiệm tất cả mọi thứ, từ cái nhỏ như tờ giấy bởi: “Giấy bút, vật liệu, đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần”. Trong sinh hoạt thường ngày, Người ăn mặc rất giản dị, nơi ở cũng đơn sơ, Người quan niệm: tiết kiệm từ những việc nhỏ thì sẽ thành được điều to tát, nhờ tiết kiệm “mà lợi cho dân rất nhiều”.

Đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí, xa xỉ. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liệm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối”. Lãng phí được Người chỉ rõ, là tiêu dùng bữa bãi; lãng phí tập trung vào 3 loại: lãng phí lao động, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của của nhân dân, đất nước. Người chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”. Người nhiều lần nhấn mạnh: tham ô, lãng phí và quan liêu là một thứ “giặc nội xâm”, là kẻ thù của đạo đức cách mạng, của xã hội chủ nghĩa.  “Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. Hiện nay có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn cần phải chấm dứt nạn phô trương ấy, lãng phí ấy…”. Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiến của, mồ hôi nước mắt của nhân dân, mà nguy hiểm hơn, từ hoang phí xa xỉ sẽ dẫn đến tham ô, nhũng nhiễu, mất tư cách, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, gây mất lòng tin trong nhân dân, từ đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Như vậy, tiết kiệm của Nhà nước nghĩa là tiết kiệm cho dân. Để có thể tiết kiệm, chống lãng phí, cán bộ, đảng viên cũng cấn rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc từ đó tạo ra sự tin tưởng, đồng thuận trong dân, tạo ảnh hưởng tích cực đến công tác xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiết kiệm không chỉ xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, mà còn từ tấm lòng yêu thương dân tha thiết. Điều này không chỉ cần thiết trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, mà còn có giá trị thực tế đối với giai đoạn hiện nay, khi kinh tế đã phát triển hơn, đời sống của nhân dân lao động dần được cải thiện. Những lời dạy của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tác giả bài viết: Quang Trung- BTG Tỉnh ủy

Nguồn tin: tinhuybinhphuoc.vn